Chiều 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về việc miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp giai đoạn 2011 – 2020.
Khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp
Theo Chính phủ, cần thiết phải ban hành nghị quyết này để khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất nông nghiệp. Hiện cả nước có khoảng 39.414 doanh nghiệp hoạt động ở nông thôn, chiếm 30% tổng số doanh nghiệp của cả nước. Tuy nhiên, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản chỉ là 1.454 doanh nghiệp, với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 32,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 6% tổng số vốn đầu tư của khu vực doanh nghiệp nông thôn và 0,9% tổng số vốn đầu tư của doanh nghiệp cả nước.
Trong số đó, phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp có vốn dưới 10 tỷ đồng chiếm 60%, doanh nghiệp có số vốn trên 200 tỷ đồng chỉ chiếm 3%, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết.
Cũng theo Chính phủ, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký vào lĩnh vực nông nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ. Tính đến ngày 14/7/2010, số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trong nông nghiệp còn hiệu lực là 485 dự án với tổng số vốn đầu tư là 3,076 tỷ USD, chiếm 4,1% tổng số dự án và 1,63% tổng số vốn của dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực của cả nước.
Vì vậy, để giảm bớt khó khăn, từng bước nâng cao thu nhập và ổn định đời sống người nông dân, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ đề nghị Quốc hội tiếp tục cho phép miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp với đối tượng và phạm vi miễn, giảm như đã thực hiện từ 2003-2010.
Cần minh bạch về đối tượng
Tại dự thảo nghị quyết, có 4 đối tượng được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích đất sản xuất nông nghiệp trong hạn mức. Thứ nhất là hộ gia đình, cá nhân nông dân được Nhà nước giao đất để sản xuất nông nghiệp (kể cả đất được thừa kế, cho tặng, nhận chuyển quyền sử dụng đất). Thứ hai, xã viên hợp tác xã sản xuất nông nghiệp nhận đất giao khoán ổn định của doanh nghiệp, hợp tác xã để sản xuất nông nghiệp.
Đối tượng thứ ba là hộ gia đình, cá nhân là nông trường viên, lâm trường viên nhận đất giao khoán ổn định của nông, lâm trường để sản xuất nông nghiệp. Thứ tư là hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp có quyền sử dụng đất nông nghiệp góp ruộng của mình để thành lập hợp tác xã sản xuất nông nghiệp theo quy định của Luật Hợp tác xã.
Hộ nghèo, hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp ở các xã đặc biệt khó khăn theo quy định của Chính phủ được miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trên toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp.
Ngoài các đối tượng trên đây, một số đối tượng khác có thể được giảm 50% số thuế sử dụng đất nông nghiệp ghi thu hàng năm đối với diện tích đất sản xuất nông nghiệp.
Thẩm tra dự thảo nghị quyết này, Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị quy định cụ thể các đối tượng không thuộc diện được miễn thuế để bảo đảm minh bạch, tránh vận dụng tùy tiện. Đồng thời, quy định rõ “đối tượng được miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp là hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp”.
Cơ quan này cũng đề nghị miễn toàn bộ số thuế sử dụng đất nông nghiệp phải nộp đối với diện tích đất sử dụng vào mục đích làm muối và trồng lúa cũng như đất sử dụng vào mục đích nghiên cứu, thí nghiệm, sản xuất thử.
Băn khoăn đất nông, lâm trường
Thống nhất cao với nhiều đề xuất của Chính phủ và đề nghị của cơ quan thẩm tra, song các vị ủy viên Thường vụ Quốc hội cũng còn khá nhiều băn khoăn xung quanh dự thảo nghị quyết.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng cần cân nhắc thật kỹ việc miễn thuế cho nông, lâm trường viên vì “nông trường bây giờ không như ta hình dung”. Có nông trường đã “xây biệt thự hết”. Một số ý kiến khác cũng đề nghị phải có sự xem xét, quy định cụ thể với nội dung này để đảm bảo sự công bằng.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng chỉ nên miễn thuế hoàn toàn cho cá nhân nghèo, cao tuổi, tàn tật và hộ gia đình nghèo, đối tượng chính sách, giảm 50% cho đối tượng khác. Nếu “miễn chằn chặn thì là cào bằng”, ông Thuận lo ngại.
Liên quan đến thời hạn miễn, giảm, bên cạnh một số ý kiến nhất trí 10 năm như đề xuất của Chính phủ, nhiều ý kiến đề nghị chỉ nên thực hiện 5 năm, sau đó tổng kết để sửa đổi toàn diện và ban hành một đạo luật chung về chính sách thuế đối với đất đai. Đồng tình với phân tích này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho rằng có thể tiếp thu để điều chỉnh thời hạn. Tuy nhiên, cả Phó chủ tịch Uông Chu Lưu và Nguyễn Đức Kiên đều cho rằng “thời hạn 10 năm cũng là hợp lý” vì lúc đó nông dân vẫn còn nhiều khó khăn.
Theo chương trình dự kiến, nghị quyết về việc miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp sẽ được Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ tám tới đây.
Theo Vneconomy
(Theo website Vũ Văn Ninh)
No comments:
Post a Comment